Truyền thuyết kho vàng núi Tàu

Vào tháng 6 năm 2016, khi cụ Trần Văn Tiệp, người được coi là ‘chủ nhân’ câu chuyện về kho vàng 4.000 tấn, qua đời, cuộc truy tìm kho vàng núi Tàu (được cho là thuộc quân đội Nhật) cũng kết thúc tại Bình Thuận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều kho báu quân Nhật đã được chôn vùi gấp gáp ở Đông Á và Đông Nam Á vào cuối Thế chiến II, sau khi đường về Nhật bị tàu ngầm Mỹ phong tỏa ngoài khơi Philippines vào năm 1943…

Vào ngày 2.9.1945, sau khi nhận lệnh đầu hàng, tướng Yamashita Tomoyuki cùng binh sĩ đi theo con đường mòn đến nơi đồn trú của quân Mỹ. Trong suốt một tháng trước đó, quân Mỹ đã tiến công nhưng chỉ tiến được hơn 5 km. Bị vây trong vùng Kiangan Pocket (Philippines), Yamashita cảm thấy đau khổ. Mặc dù ông đã mất nhiều binh sĩ, nhưng ông không tự sát vì, như ông nói: “Nếu tôi tự tử, sẽ có người khác phải chịu trách nhiệm cho sai lầm này”.

Họ gặp ban tiếp quản của Mỹ, dưới sự chỉ huy của thiếu tá quân cảnh A.S. Jack Kenworthy. Yamashita đi chậm và dừng lại, chờ sĩ quan và binh lính đứng xếp hàng phía sau. Theo trung tá Leslie M. Fry, người có mặt tại đó, một số binh lính trẻ Nhật vẫn cầm những thanh vàng trong tay và từng bước xếp chúng thành một đống. Tổng trọng lượng khoảng nửa tấn vàng. Yamashita tháo kiếm, cúi đầu và từ từ đưa kiếm vào tay thiếu tá Kenworthy. Vào ngày 23.2.1946, ông bị treo cổ sau đó.

Tòa án tối cao Mỹ đã truy tố Yamashita với cáo buộc là tội phạm chiến tranh, nhưng không đề cập đến việc quân Nhật đã lấy cắp tài sản ở 12 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong Thế chiến II. Trong số đó, tướng Yamashita cùng các quan chức cấp cao đã chỉ huy việc giấu kín tài sản này trong những năm cuối cuộc chiến. Kho báu Yamashita trở thành những truyền thuyết không đếm xuể.

Một trong những câu chuyện tiêu biểu là vào năm cuối Thế chiến II, lính Mỹ cùng với quân du kích Philippines phát hiện một chiếc tàu lớn được quân Nhật ngụy trang thành tàu cứu thương đã gỡ xuống một số lượng lớn các thùng đồng tại vịnh Subic, gần Manila. Sĩ quan hải quân Mỹ John C. Ballinger đã ngụy trang thành một ngư dân và chụp được những tấm ảnh về việc vận chuyển này. Cuộc điều tra nhanh chóng xác định rằng chiếc tàu ngụy trang này có tên Fuji Maru, được xây dựng năm 1937 và được sử dụng để vận chuyển tài sản quân đội Nhật từ Singapore đến Manila cho Hoàng tử Chichibu trong chiến dịch Golden Lily – Hoa Huệ Vàng (1).

Đơn vị của Ballinger đã theo dõi đoàn xe quân sự chở những thùng hàng đó tiến sâu vào khu vực núi. Tại đó, họ nhìn thấy mỗi nhóm 4 binh sĩ Nhật đang mang theo một thùng vào các hang động. Ballinger suy đoán rằng đó phải là một món đồ có giá trị lớn. Khi quân Nhật niêm phong và ngụy trang cửa vào và ra của các hang động, binh sĩ Philippines phải mất nhiều ngày để mở cửa và phát hiện rằng trong các thùng chứa toàn bộ là những thanh vàng, mỗi thanh nặng 75 kg. Trong hang động, những thùng vàng được xếp hàng dài và chồng lên nhau.

***

Đánh giá bài này